Tín ngưỡng tôn giáo Bồ đề (Moraceae)

Hậu duệ trực tiếp do sinh sản vô tính của cây Bồ-đề tại Bồ-đề đạo trường (bodhgayā, buddhagayā), được trồng tại vườn bách thảo FosterHonolulu, Hawaii

Cây Bồ-đề được gọi trong một số ngôn ngữ khác là cây Bo, Pipul hay Aśvattha, Assattha (tiếng Pali). Từ Aśvattha là tiếng Phạn; Śvaḥ có nghĩa là "ngày mai", a chỉ sự phủ nhận, và tha có nghĩa là "người hay vật dừng lại hay tồn tại". Nhà triết học nổi danh thuộc hệ phái Advaitavedānta (Bất nhị phệ-đà) là Śaṅkara diễn giải tên gọi này là "Người hay vật không thể tồn tại giống như thế vào ngày mai", cũng giống như toàn thể vũ trụ.

Loài cây này được cho là thiêng liêng bởi những người theo Ấn Độ giáo, Kì-na giáoPhật giáo. Tương truyền thái tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật. Qua đó mà cây này có tên bồ đề, vì Bồ-đề có nghĩa là Giác ngộ.

Hiện tại người ta có thể chiêm ngưỡng một cây Bồ-đề rất lớn tại chùa Đại Bồ-đề (Mahābodhi) tại Bồ-đề đạo trường (Bodhgayā), khoảng 96 km (60 dặm) từ Patna thuộc bang Bihar) của Ấn Độ. Đây là con của cây Bồ-đề mà ngày xưa Phật Thích-ca Mâu-ni đã ngồi thiền định 49 ngày sau khi thành tựu Vô thượng chính đẳng chính giác. Cây này là điểm dừng chân của những người hành hương, là tụ điểm quan trọng nhất trong bốn khu vực thiêng liêng đối với những người theo đạo Phật.

Cây Bồ-đề thời Phật thành Đạo đã bị vua Bengal là Śaṣaṅka phá hủy hồi thế kỉ thứ 7. Cây con được trồng kế nó cũng bị bão thổi trốc gốc năm 1876. Cây con ngày nay được lấy từ một nhánh của cây Bồ-đề gốc được vua A-dục tặng vua Tích Lan vào khoảng 288 TCN. Nó mang tên Śrī Mahā ("điềm lành và to lớn"). Ngày nay, tại cố đô Anurādhapura của Tích Lan (Sri Lanka), cây Bồ-đề đó vẫn còn xanh tốt và thời điểm trồng này làm cho nó trở thành cây già nhất trong số các thực vật có hoa có thể kiểm chứng được tuổi.